1 Người thầy đầu tiên 11/11/2011, 21:34
SÁNG LẬP DTS
[kool][boy]™
Người thầy đầu tiên
Ai đó từng ví : người thầy giống như một người chèo đò ngang vĩ đại nhất trên bến sông đời. Bao lượt khách qua sông có mấy người trở lại bến sông ? Bao lượt người qua có mấy ai nhớ nói lời cảm ơn với người chèo đò ?
Ngôi trường nhỏ mà tôi học như một nhà ga cuộc đời, và những chuyến tàu thời gian cứ nối tiếp nhau ra đi. Tôi biết trên sân ga cuộc đời ấy, hình bóng những thầy cô giáo dịu hiền vẫn hoài đợi bóng dáng những con tàu.
Cũng như nhiều người, tôi đã từng mơ một cơ hội quay về lại bến sông xưa, trở lại sân ga cũ tìm lại hình bóng người thầy kính yêu. Nhưng từ lúc tóc còn xanh đến nay đã vương những sợi bạc mà điều tâm nguyện ấy vẫn còn dang dở…
Hơn 36 năm trước, tôi lớn lên trong ấp chiến lược Bình Mỹ Thuận, quận Thiện Giáo (nay là thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc-Bình Thuận). Chúng tôi không được đi học vì là con “Việt cộng”, nghèo khổ, ly tán và chiến tranh ác liệt.
Nhà tôi trong ấp chiến lược, bao quanh ấp là ba tầng dây kẽm gai và dày đặc mìn các loại, họ chừa hai cổng trên, dưới ấp cho người dân hàng ngày ra vào đất cũ. Buổi chiều cuối tháng 10 năm 1971, tai họa ập xuống: hai xe chở đầy cảnh sát, quân cảnh đổ ập vào cửa nhà, chúng còng tay và bắt mẹ tôi đi.
Sau buổi chiều nghiệt ngã ấy, gia đình vắng lặng khác thường, mấy anh em tôi bắt đầu sống mồ côi. Cha ở trong rừng, mẹ bị giặc bắt bỏ tù. Mỗi lần nhìn đứa em gái nhỏ chưa đầy một tuổi mà nước mắt chực tràn khi nó khóc.
Bà nội cho tôi ở đợ chăn bò cho một người trong ấp. Người chủ giao hai con bò trái tính, trái nết rất hung hãn. Buổi chiều khi nhốt bò vào chuồng, tôi cầm cái chén ăn cơm chạy một vòng nửa ấp xin mấy cô, mấy dì có con nhỏ bú dư sữa mang về cho nhỏ em uống. Nếu không có sữa, tôi chắt nước cơm rồi lấy muỗng nạo đường tán khuấy đều cho nó uống.
Ấp chiến lược chia thành hai phía Đông-Tây chính giữa là đường QL8 từ Phan Thiết đi Ma Lâm.
Phía Đông là những gia đình “trung lập” buôn bán nhỏ hoặc có thân nhân đi lính cộng hòa. Phía Tây, là gia đình có người theo “Việt cộng”.
Trẻ con phía Đông được học trường công, quần xanh, áo trắng nai nịt chỉnh tề. Còn trẻ con “việt cộng” như tôi chỉ được học trường tư thục hoặc không học hành gì cả.
Cuối ấp, có ông giáo già Ba Dương, liệt hai chân di chuyển trên hai cái ghế gỗ cầm tay rất khó nhọc. Thầy Ba mở trường dạy bọn trẻ trong ấp cho đỡ dốt, bởi thầy cũng không học nhiều.
Hàng ngày, nhìn đám bạn líu ríu cắp sách đến trường mà xốn xang trong lòng, ước mơ một ngày được đi học như chúng bạn.
Một hôm, cột hai con bò ăn cỏ cắt sẳn, tôi theo thằng Tròn đến trường học, đứng ngoài cửa sổ nhìn và nghe đọc ê, a theo nhịp thanh tre thầy chỉ trên bảng.
Tôi cầm cây roi tre chăn bò viết chữ trên cát học lỏm, rồi lấy chân làm cục tẩy xóa đi, viết tiếp. Mừng quá, tôi chạy về xin ông chủ cho cắt cỏ bò ăn để tranh thủ đi học lén, ông chủ tốt bụng cười hề hề:
- “Miễn sao bò no là được”.
Nhiều ngày thập thò bên cửa học lén, viết chữ trên cát bằng roi, Thầy Ba phát hiện ra cậu học trò ngoài lớp nên thầy lặng lẽ đến bên lúc nào không biết. Tôi giật mình như một kẻ trộm bị bắt quả tang, Thầy hỏi:
- “Cháu là con nhà ai ?”
- “Dạ, dạ con bà Sáu việt cộng?” -
Tôi giật mình trả lời như một cái máy. Thầy nhìn tôi rồi nói :
- “ Con thích học lắm phải không ? Sao không mua tập vở đi học ?”.
Mắt tôi cay xè vì tủi thân:
- “Dạ con ở đợ chăn bò. Mẹ ở tù…”.
Thầy Ba vỗ vỗ tay rồi bảo:
- “Hàng ngày con cứ đến đây vào giờ ra chơi, vô bộ ván thầy dạy cho”.
Cuốn tập vở 100 trang đầu tiên trong đời tôi có là của Thầy cho, cùng một tập vần con chó. Tôi trở thành một học trò đặc biệt từ đó: không học chung bạn bè, không ngồi trong lớp mà ngồi cạnh bộ ván gõ lim đen thui trong giờ ra chơi.
Tháng ngày trôi qua theo xác phượng đỏ rực sân trường, khi các bạn trang lứa nghĩ hè, cũng là lúc tôi được học nguyên cả buổi tại nhà thầy những khi thầy rảnh và sức khỏe tốt.
Vào 26 Tết, ngày “trai” (ở đợ) về nhà, tôi được nhà chủ cho một túm nếp lèo và một ký đường tán. Mừng quá, tôi mang đến biếu thầy, nhưng thầy nói :
- “Con mang về cho em ăn. Con nghèo hơn thầy mà…”
Rồi thầy lấy cho tôi mấy hộc cốm, mấy cái bánh tét và măng khô. Tôi ra về hạnh phúc lẫn xúc động, sung sướng chỉ biết khóc mà không thể nói một lời cảm ơn Thầy.
Chỉ một thời gian ngắn ngủi học trong giờ ra chơi và hơn một tháng của mùa hè năm đó, tôi đã đuổi kịp các bạn khi chuẩn bị tựu trường học lớp hai.
Mỗi sáng chào cờ, thầy nêu gương tôi để các bạn cùng trường học theo, còn tôi đứng bên ngoài nghe lén mà lòng lâng lâng những cảm giác khó tả. Đó là một ngôi trường không có tên, vách trét đất, không có cửa, gần một ao nước bẩn cạnh chuồng bò. Đó là tấm bảng gỗ sần sùi và đám học trò không một đứa nào có đôi dép để mang. Thầy Ba di chuyển rất khó khăn trên hai cái ghế gỗ cầm tay.
Dù cho thầy nhận học thì tôi vẫn phải hàng ngày ở đợ chăn bò nên không thể vào lớp học như các bạn. Tôi lại học trong giờ ra chơi hết lớp hai, rồi lớp ba, lớp bốn…
Đất nước giải phóng, hòa bình. Mẹ tôi từ địa ngục trở về, cha tôi cũng về, gia đình dọn về đất cũ sinh sống. Thầy Ba không dạy học nữa, trở về quê cũ sinh sống như mọi gia đình trong ấp.
Ấp Bình Mỹ Thuận xưa, nay là thôn Bình Lâm, nhưng ngôi trường xưa đã vĩnh viễn không còn trên mặt đất, chỉ còn in đậm trong ký ức mỗi người như tôi không bao giờ xóa đi được. Tôi không thể nào quên những tháng năm bắt đầu đi học lén.
Mỗi bận về thăm quê, tôi lại đến bên mộ thầy với lòng biết ơn vô vàn công lao trời biển của thầy đã dành cho tôi - một học trò vừa ở đợ vừa học. Thầy đã dạy cho tôi những chữ đầu tiên, những chữ làm người và tình yêu thương con người…
TRÂN CHÂU
Bài Hay Tên bài dự thi Người thầy đầu tiên Mã bài: NBTA0050193 Tác giả: tran minh hieu Tên đăng nhập: tranhieu Ngày gửi: 27-03-2011 Lượt xem: 3744 Số comment: 5 |
(Sưu tầm)