1 Truyền thống Duy Tân 5/11/2011, 16:12
SÁNG LẬP DTS
[kool][boy]™
MƯỜI BỐN NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Trường THPT Duy Tân được xây dựng, kế thừa, phát triển, trên cơ sở của trường THPT Bán công-Duy Tân, thành lập năm 1997. Từ đó đến nay trường đã qua 14 năm trưởng thành và phát triển, từng bước tạo dựng vị thế, phấn đấu hướng tới mô hình trường đạt Chuẩn quốc gia năm 2015.
Ban giám hiệu hiện tại gồm có:
1. Thầy Nguyễn Tri Ân
2. Thầy Nguyễn Công Lí
3. Cô Trần Thị Hà
4. Thầy Hồ Hùng Linh
Buổi đầu thành lập, trường gặp muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất của trường phải mượn tạm cơ sở của trường Tiểu Học Thực Hành Lê Lợi, đường Trần Hưng Đạo, thị xã Kon Tum; đến nửa cuối năm 1999 trường được chuyển lên cơ sở mới, số 192- Đường Đinh Công Tráng- Phường Duy Tân, cũng là cơ sở của trường THPT Duy Tân hiện nay.
Ban giám hiệu đầu tiên tiếp quản và điều hành nhà trường gồm:
1.Nguyễn Hóa
2.Nguyễn Sanh Lộc
3.Nguyễn Tố Hải
Năm 1998, thầy Nguyễn Tố Hải chuyển công tác khác; năm 2000 thầy Nguyễn Sanh Lộc chuyển sang đảm nhận chức vụ Phó hiệu trưởng của trường THPT Kontum. Ban giám hiệu lúc này chỉ còn lại thầy Nguyễn Hóa, cũng trong năm này (tháng 10/2000), thầy Thái Tăng Nghĩa chuyển công tác từ Sở GD-ĐT về đảm nhận chức vụ Phó hiệu trưởng. Ban giám hiệu lúc này gồm thầy:
1. Nguyễn Hóa
2. Thái Tăng Nghĩa
Sau khi thầy Nguyễn Hóa chuyển công tác về Sở GD-ĐT Kontum, đảm nhận chức vụ Trưởng phòng GDTHPT năm 2005 thì thầy Nguyễn Khắc Luận, giám đốc Trung Tâm GDHN- Dạy Nghề được điều về đảm nhận chức vụ Hiệu Trưởng; thầy Nguyễn Công Lí, chuyển từ Đăk Hà về làm Phó hiệu trưởng. Ban giám hiệu thời kì này gồm có thầy:
1. Thái Tăng Nghĩa
2. Nguyễn Khắc Luận
3. Nguyễn Công Lí.
Về đội ngũ giáo viên, do mô hình trường bán công nên đội ngũ giáo viên được Sở đưa về với số lượng rất ít. Năm đầu tiên chỉ có 18 giáo viên, đến năm thứ hai tăng thêm 10 giáo viên nữa, nâng tổng số lên 28, các năm tiếp theo đội ngũ có bổ sung nhưng rất hạn chế; đến năm cuối cùng, kết thúc vai trò lịch sử mô hình Bán công ở Kotum năm 2009, trước khi chuyển sang mô hình trường công lập, số lượng cán bộ giáo viên của trường THPT Bán công – Duy Tân không quá 42 người. Trong khi đó số lượng học sinh qua các năm tăng không ngừng.
Năm đầu tiên mới thành lập 1997, trường có 7 lớp, với 5 lớp 10 của khối THPT và 2 lớp 7 thuộc khối THCS, với tổng cộng 350 học sinh; năm sau tăng lên hơn hai lần với số lượng là 750 học sinh. Từ đó, từng năm, lượng học sinh tăng lên không ngừng, có năm lên trên 1446 học sinh như năm 2006.
Trước thực trạng số lượng học sinh tăng ồ ạt mà đội ngũ giáo viên cơ hữu quá thiếu như thế, bài toán cho chất lượng đào tạo học sinh nhằm tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội đã được đặt ra cho cả Hội đồng giáo dục nhà trường mà đứng đầu là Ban giám hiệu.
Giải pháp cho công tác giảng dạy là ngoài đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường, Ban giám hiệu mời giáo viên có uy tín của các trường trên thị xã và tận dụng nguồn giáo viên chưa có việc làm bằng cách nhận dạy hợp đồng về dạy:
1. Môn toán có thầy: Nguyễn Hữu Đôn, Nguyễn Ngọc Duyệt, Nguyễn Xuân Cát, Nguyễn Thị Ngân Thoa, Đặng Be….
2. Môn Văn có thầy: Trần Ngọc Lâm, Nguyễn Công Sử, Nguyễn Bình Dân, Đào Hữu Thiện, Phan Đức, Đỗ Trần Viên; Nguyễn Tiến Mãn, …; cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Nguyễn Thị Thùy Tiên, Nguyễn Thị Hồng Xuyến; Nguyễn Thị Mĩ Hạnh, Phan Trần Châu…
3. Môn Vật Lí có thầy: Nguyễn Thanh Sơn, Lưu Công Trừng, Đinh Văn Chánh; cô Hoàng Thị Xuân …
4. Môn Hóa có thầy: Trần Hùng Hiệp; cô Nguyễn Thị Diệu Tuyền…
5. Môn Sinh có thầy: Nguyễn Xuân, cô Tôn Nữ Mĩ Hạnh, thầy Phạm Đại Cảnh…
6. Môn Lịch Sử có: Cô Huỳnh Thị Kim Lan, Nguyễn Thị Hà….
7. Môn Địa có: Thầy Dương Văn Lợi, Nguyễn Tuấn Anh…
Và nhiều giáo viên trẻ dạy hợp đồng ở các môn khác.
Chính nhờ giải pháp này mà nhà trường đã duy trì tốt nề nếp giảng dạy và học tập. Giáo viên cơ hữu vốn tuổi nghề còn rất trẻ của nhà trường có điều kiện học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, phương pháp giảng dạy ở những thầy cô thỉnh giảng gạo cội, ngõ hầu cho công tác giảng dạy, giáo dục về sau. Học sinh có điều kiện tiếp nhận vốn tri thức của những giáo viên lâu năm, giàu kinh, và rất đỗi nhiệt tình.
Vì vậy mà trong những năm này, về học tập trường liên tục có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, năm cao nhất có đến 18 học sinh. Đặc biệt các năm từ 2000 đến 2005 trường liên tục có những tấm gương học sinh hiếu học, nhiều năm liền vươn lên đạt học sinh giỏi toàn diện như em: Nguyễn Thị Như Phúc (hiện là giáo viên THPT ở TP.HCM), em Nguyễn Thanh Tuấn( hiện là giảng viên của trường ĐH Sư Phạm Kĩ Thuật Thủ Đức), Nguyễn Thị Hoài Phương(hiện là giảng viên ĐH Tây Nguyên), Đỗ Thị Quyên, Nguyễn Thị Kim Yến…và nhiều học sinh tham gia kì thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia như em: Hồ Thanh Quang, Nguyễn Quyết Tiến, Ngô Trung Quang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Oanh Kiều, Nguyễn Thị Thúy Hằng… và nhiều em trong số đó đã đạt danh hiệu Học sinh giỏi Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học như em: Hồ Thanh Quang, Nguyễn Quyết Tiến, Ngô Trung Quang, Nguyễn Thị Hồng Nhung.
Chính những cá nhân học sinh xuất sắc đó đã góp phần gây dựng được uy tín, tạo được niềm tin cho phụ huynh và học sinh. Nó chính là những minh chứng hùng hồn nhất góp phần xóa đi những ác cảm của dư luận xã hội về mô hình trường THPT Bán công trên địa bàn tỉnh Kontum trong suốt một chặng đường dài.
Về các hoạt động bề nổi, những năm đầu mới thành lập, dù trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường vẫn tổ chức tốt các hoạt động tập thể, xây dựng được các phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao như tổ chức liên tục hai năm Hội trại 26 tháng 3, tổ chức Hội thi học sinh nam thi nấu ăn ngon thật hào hứng; đều đặn nhiều năm liền tổ chức các buổi ngoại khóa giáo dục lối sống văn hóa ứng xử trong học đường cho học sinh, tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền…tạo sân chơi cho học sinh, góp phần giáo dục đạo đức, tư tưởng, rèn luyện thể lực, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Đặc biệt trong các kì thi Văn nghệ ngành nhân ngày Truyền thống Nhà giáo, thi tìm hiểu Pháp luật An toàn giao thông, thi tìm hiểu về Môi trường, thi tìm hiểu về ma túy/HIV/AIDS trong học đường hay tham gia các kì Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh…đoàn học sinh và giáo viên của nhà trường luôn được xếp ở các vị trí cao trong khối THPT của tỉnh.
Qua các hoạt động bề nổi ấy, nhiều cá nhân học xuất sắc trong hoạt động phong trào được thầy cô, học sinh yêu mến như: Phạm Hoài Bảo, Huỳnh Công Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thanh, Đỗ Thanh Tuấn, Nguyễn Trọng Luân, Trần Công Út, Huỳnh Thanh Sang, Nguyễn Minh Hậu, Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Mĩ Hạnh, Trần Thị Mi, Nguyễn Thị Trà Mi, Quỳnh Anh…
Điều gì đã tạo nên những thành quả đáng trân trọng ấy? Có lẽ đầu tiên, xét một cách công bằng nhất phải kể đến đó là sự chỉn chu, quyết đoán, sáng tạo của Ban giám hiệu, cụ thể là thầy Nguyễn Hóa, thầy Nguyễn Sanh Lộc, thầy Thái Tăng Nghĩa, Nguyễn Khắc Luận, Nguyễn Công Lí.
Thầy Nguyễn Hóa cẩn trọng, quyết đoán trong quản lí, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục của nhà trường, phương châm làm việc của thầy “ trường là nhà”, “ dạy mười để biết một”. Thầy đã mạnh dạn vận động phụ huynh học sinh tổ chức học phụ đạo 5 môn học chủ lực: Văn, Toán, Lí, Hóa, Anh Văn và tổ chức Bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi ở các môn có thế mạnh. Chính mô hình dạy học này, kết hợp với cách quản lí nề nếp thân thiện, gần gũi, tế nhị của thầy mà sau đó thầy Thái Tăng Nghĩa tiếp tục kế thừa phát huy nên mọi thứ từ giảng dạy, học tập, sinh hoạt đều trở nên gần như mực thước, khuôn phép.
Thầy Nguyễn Sanh Lộc “ nhanh mà chắc”, “ tập hợp và xung kích”. Chính cách làm việc của thầy đã góp phần tạo nên nề nếp giảng dạy và học tập trong giáo viên và học sinh.
Thầy Thái Tăng Nghĩa luôn chín chắn, kĩ lưỡng trong công tác chuyên môn. Đặc biệt thầy đã góp phần rất lớn trong việc “đào tạo” giáo viên theo chuẩn “năng lực”. Sự khích lệ động viên và tạo cơ chế mở của thầy là nguồn động lực thúc đẩy chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên cơ hữu; nhiều giáo viên khẳng định được năng lực chuyên môn, giảng dạy có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Thầy Nguyễn Khắc Luận quản lí bằng cách giao việc, biết phát huy vai trò xung kích của các Tổ chuyên môn. Dù có chút gì đó mang tính chủ quan nhưng phương pháp quản lí của thầy vẫn có nhiều điểm để trân trọng.
Thầy Nguyễn Công Lí dù về trường có muộn hơn, nhưng sự xuất hiện của thầy đã tạo nên một đội ngũ giáo viên nhiệt tình, đoàn kết. Nhất là trong cách tổ chức, qui tập anh chị em giáo viên ở thầy có nhiều điều đáng để ghi nhớ. Nhất là trong các kì thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh, nhờ cách làm “ đơn giản” của thầy mà nhiều giáo viên đã nỗ lực đã vượt qua các kì thi.
Về phía giáo viên, người “cầm trịch”(có thể là lớn tuổi hơn anh chị em giáo viên cơ hữu của trường đôi chút) cho mọi phong trào phải nói là thầy Nguyễn Duy Quốc, người được mênh danh là “ Người sáng tạo của mọi sự sáng tạo”. Chính cách làm việc, giảng dạy, hoạt động, ứng xử, kể cả việc “vẽ chuyện”… của thầy đã tạo dựng được không khí vui vẻ, đoàn kết trong nhà trường, để lại dư âm tốt đẹp trong tâm hồn của học sinh và giáo viên. Nhiều giáo viên của trường học tập theo cách trình bày bảng của thầy, nhiều học sinh tập viết chữ, trang trí vở… như thầy.
Và còn nhiều những thầy cô khác của trường THPT Bán công- Duy Tân năm xưa đầy nhiệt tình cống hiến trong công tác giảng dạy, kiêm nhiệm, hoạt động như: Thầy Hồ Hùng Linh( tổ trưởng tổ Toán- Lí) “đẹp trai và tài hoa”; thầy Ngọc Hiệp, Nguyễn Thạnh “già mà không già”; cô Thị Diễm, Thị Hợp “già vẫn xông pha”; cô Nhị Diên, Mĩ Lài, thầy Trần Đạo, Trọng Lưu… năng động; cô Nhã Trúc, Thị Phúc, Hương Thủy… hết mình; thầy Xuân Thọ, Thanh Xuân, cô Hồng Hải… nhiệt tình cống hiến; thầy Đắc Nam, cô Huyền Tuyên lặng lẽ mà đảm đang công việc…thầy Đức Quốc, cô Thị Mến, Thị Lam say mê chuyên môn…, thầy Văn Tòng “ thuộc từng viên gạch”, cô Dương vui nhộn…Cô Râu “ khuôn thước”…cô Nguyên yêu thích thể thao…anh Văn Sang phụ trách Văn phòng nhiệt tình, tận tụy với công việc “ trăm dâu đổ đầu tằm”, Bác Huỳnh Hữu Thanh (bác Tám- bảo vệ) chu đáo và đáng yêu…
Những con người ấy, những thầy cô ấy, bây giờ, người còn, người mất (anh Đặng Mậu Đăng, thầy Nguyễn Tố Hải), người ở, người đi, người thăng, người giáng, người đang tráng kiện sức xuân, người đang bị bệnh tật ốm đau giày vò…Nhưng tất cả họ đã sát cánh bên nhau, cùng nhau một thời góp không ít công sức cho ngôi trường dấu yêu này.
Hãy giành một phút cho nhau và cho họ!
“ Về đây bên nhau/ Ta nối lại tình xưa/ Chuyện tình mà bao năm qua…”(Quốc râu đàn, Quốc đen hát, Xuân…phụ họa)
Lùi lại một thời gian, đắm mình vào quá khứ mới hiểu rằng, phải gom góp được cái tâm, cái đức ngay thẳng, sáng trong của từng con người để tạo dựng nên sức mạnh cộng hưởng của một tập thể. Đó là điều kiện tiên quyết đi đến thành công. Và cũng vỡ ra rằng, sự trưởng thành của hôm này được ươm mầm từ hôm qua.
Hôm nay, Trường THPT Duy Tân đang kế thừa và phát huy cái hôm qua để tiến lên đạt chuẩn. Nhưng cơ hồ còn có gì đó chưa vững chắc. Bởi trường chỉ mới qua hơn một năm xây dựng. Nhưng tin tưởng trong tương lại gần, trường sẽ phát triển vượt trội. Bởi một thực tế, trường đang có một lực lượng CBGV rất đông, 98 con người, chủ yếu được chuyển từ các trường về. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian và giải pháp.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tri Ân, người thầy say mê chuyên môn đang trong giai đoạn băn khoăn đi tìm giải pháp để đưa chất lượng giáo dục của nhà trường đi lên.
Để giúp trí nhớ cho học sinh, thầy đã vận thể ca dao để diễn đạt nội dung bài học cho học sinh dễ học, dễ nhớ. Tuy nhiều câu trong các tài liệu của thầy còn chưa hay, còn ép vần nhưng cố gắng suy ngẫm và biết cách chọn lọc để vận dụng thì đó là một công trình nghiên cứu đáng trân trọng và nhân rộng. Phương pháp dạy học dù hiện đại đến thế nào cũng phải bám sát đối tượng, phát huy hiệu quả. Muốn vậy, phải biết kế thừa và phát huy phương pháp dạy học truyền thống. Tư tưởng dạy học của thầy là thế.
Đối với giáo viên, để hỗ trợ từ ngữ phục vụ công tác giảng dạy trong chuyên môn sâu sắc hơn, thầy đã mở Chuyên đề giải nghĩa từ Hán - Việt trong các môn học, bài học có sử dụng từ Hán- Việt. Đặc biệt, để khích thích, tạo động lực cho anh chị em giáo viên trong công tác giảng dạy và nâng cao nghiệp vụ tay nghề, thầy sử dụng cơ chế “ Khoáng chất lượng” cho giáo viên. Cơ chế này phần nào giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy. Bởi nó đã khơi đúng vào danh dự của nhà giáo. Nhưng nó sẽ được phát huy cao hơn nếu thầy có một số giải pháp khác hỗ trợ…Ngoài ra, đối với học sinh lớp cuối cấp còn yếu kém về học lực, thầy chủ trương mở lớp “ xóa mù” tri thức cơ bản vào các buổi sáng Chủ nhật. Việc làm này đã được nhiều học sinh, phụ huynh hoan nghênh.
Sát cánh với thầy Nguyễn Tri Ân là 3 phó Hiệu trưởng:
- Nguyễn Công Lí
- Trần Thị Hà
- Hồ Hùng Linh
Cô Trần Thị Hà- Phó Hiệu trưởng, kiêm Chủ tịch Công đoàn đầy kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lí. Sự nhiệt tình, gần gũi nhưng thẳng thắn của cô là một trong những điểm tựa để anh chị em vươn lên trong công tác chuyên môn, cũng như trong cuộc sống. Đặc biệt với sự động viên khuyến khích kịp thời của cô đã tạo động lực rất lớn cho nhiều anh chị em ở các tổ bộ môn Văn, Sử, Địa trong công tác Bồi dưỡng học sinh giỏi và dự thi Học sinh giỏi cấp tỉnh đạt hiệu quả trong năm học 2010-2011, bước đầu tạo vị thế cho trường THPT Duy Tân. Trong số các em dự thi có em đạt giải cao như em: Đỗ Hữu Tài(12B4); có em thi vượt cấp (11 thi 12) đạt giải như em Y-Bin(11B7), Diễn Quỳnh(11B1).
Thầy Hồ Hùng Linh, nguyên giáo viên Vật lí của trường THPT Bán công- Duy Tân. Năm 2004 được nhà trường cử đi học Thạc sĩ tại Huế. Sau khi Tốt nghiệp năm 2006, về trường giảng dạy được một năm thì được chuyển công tác sang trường THPT Kontum. Khi trường THPT Duy Tân thành lập, thầy được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng. Thầy là một thầy giáo nhiệt tình và sáng tạo trong công tác quản lí. Tin tưởng trong thời gian tới, thầy sẽ có nhiều kế sách hay trong quản lí chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường.
Riêng thầy Nguyễn Công Lí, sau khi Tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2008, phục vụ nhà trường gần hai năm thì lâm bệnh. Hiện thầy đang điều trị tại TP. HCM. Hi vọng rằng với sức mạnh của nghị lực bản thân, niềm động viên của người thân và đồng nghiệp, thầy sẽ vượt lên được nghịch cảnh.
Với một Ban giám hiệu giàu năng lực, nhiệt huyết và sáng tạo, bước đầu đã tạo được bệ phóng cho chất lượng chuyên môn và các hoạt động khác của nhà trường.
Trong năm học 2009-2010, tỉ lệ học sinh đậu TNTHPT khá cao. Các hoạt động bề nổi được tổ chức bài bản, long trọng như: Lễ- Hội khai giảng, Hội thi Duyên dáng- trí tuệ, Hội trại 26 tháng 3, lễ Tri ân và các hoạt động khác đã tạo được không khí vui tươi, hào hứng phục vụ cho công tác học tập và giảng dạy.
“ Mọi phong trào đều có ngọn cờ đầu”( Nguyễn Văn Tòng)
Tất nhiên, một cánh én không làm nên mùa xuân. Nhưng chính nó gợi cho ta biết không khí mùa xuân đang về. Một cá nhân ưu tú không thể làm nên một tập thể hùng mạnh. Nhưng nhờ họ mà tập thể có được linh hồn.
Phát huy cá nhân sáng tạo, khơi dậy nhiệt huyết, lòng yêu nghề, tạo niềm tin cho đồng nghiệp, nghiêm khắc trong giáo dục học sinh…sẽ là nền tảng cho nhà trường hướng tới tương lai.
“ Soi gương mà thấy bóng mình ở trong”
Hãy vì một ngôi trường dấu yêu!